TS Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội thảo
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, từ đầu năm 2020 tới nay, khi dịch Covid-19 bùng phát, hệ thống bệnh viện ở nước ta càng bộc lộ những nguy cơ, nhất là trong thiết kế chưa dự tính tới những khu vực dự phòng để triển khai các phương án ứng phó với dịch bệnh quy mô rộng.
"Có thế mới thấy về cơ bản kiến trúc bệnh viện ở Việt Nam hiện nay được thiết kế vẫn còn một tỷ lệ không nhỏ chưa giải quyết thấu đáo mối quan hệ giữa không gian kiến trúc với quy trình khám chữa bệnh và công nghệ y tế hiện đại..." - Thứ trưởng Trương Quốc Cường nhấn mạnh.
Đồng thời Thứ trưởng chỉ rõ việc thiết kế xây dựng bệnh viện ở Việt Nam phải đề cao yếu tố công năng của các bệnh viện tiên tiến hiện đại song phải phù hợp với văn hóa khám chữa bệnh của người dân, phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội và cả phong tục tập quán từng khu vực, địa phương.
Bệnh viện Quân đội 108 được đánh giá là công trình có kiến trúc hiện đại, tối ưu nhất nhất cho người bệnh hiện nay ở nước ta
Để góp phần nghiên cứu, lý giải những bài toán khó trong thiết kế kiến trúc bệnh viện hiện đại, tại hội thảo, nhiều lãnh đạo bệnh viện, chuyên gia y tế và kiến trúc sư đã cùng nhau bàn luận những vấn đề từ lý thuyết đến thực tiễn trong thiết kế, quản lý vận hành các bệnh viện hiện đại. Đồng thời đề xuất những giải pháp cả về kiến trúc, công nghệ, vật liệu nhằm đáp ứng được các yêu cầu của công nghệ y tế cả về khám và điều trị bệnh hiện đại, hướng tới đảm bảo vận hành bệnh viện một cách an toàn và bền vững.
Là đơn vị hàng đầu về tư vấn, thiết kế đưa ra các giải pháp an toàn sinh học trong bệnh viện như: phòng áp lực âm và áp lực dương và phòng an toàn sinh học cấp 3, ông Nguyễn Khắc Long- Tổng giám đốc Công ty CP Airtech Thế Long cho rằng, trước mối đe dọa lớn của các dịch bệnh truyền nhiễm đối với con người thì vì việc xử lý nguy cơ mầm bệnh trong bệnh viện là yêu cầu cấp thiết được đặt ra. Điều này đòi hỏi các cơ sở y tế cần quan tâm tập trung vào các giải pháp chống nhiễm khuẩn bệnh viện, phòng ngừa dịch bệnh. Việc thiết kế bệnh viện hiện đại cần đảm bảo về kiểm soát nhiễm khuẩn, xử lý không khí, cách ly... nhất là bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay.
Trao giải cho các tác giả có ý tưởng tốt nhất về kiến trúc bệnh viện dã chiến
Theo ông Nguyễn Khắc Long, với thiết kế của phòng áp lực âm có áp suất thấp hơn xung quanh, không khí chỉ đi vào từ một phía và không thoát ra qua phía đó thì nếu có bệnh nhiễm virus đang được điều trị cách ly bên trong, các giọt bắn chứa virus của họ sẽ không thể lội ngược dòng không khí này để thoát ra ngoài được. Trong khi đó, đối với phòng mổ, phòng lab, phòng ghép tủy... được thiết kế áp dụng là phòng áp lực dương nhằm tạo áp suất dương cho những không gian nhất định bằng khí sạch được kiểm soát nhằm giảm tổi thiểu sự nhiễm khuẩn.
Nhân dịp này, Công ty Airtech Thế Long đã trao tặng Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 gói thiết bị phòng chống dịch bệnh Covid-19, bao gồm: 1 phòng lấy mẫu xét nghiệm an toàn, 2 buồng áp lực âm di động, 3 máy lọc khí sạch tuần hoàn tại phòng, 4 máy xả khí sạch di động với tổng giá trị trên 1 tỷ đồng.
Cũng tại hội thảo, Ban tổ chức Cuộc thi Thiết kế Ý tưởng kiến trúc Bệnh viện dã chiến đã trao 10 giải thưởng cho những tác giả ý tưởng sáng tạo tốt nhất.
Kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giám khảo nêu rõ, các phương án được Hội đồng giám khảo thống nhất lựa chọn trao giải là những phương án được bố cục, tổ chức chặt chẽ, giải pháp sáng tạo tiếp cận xu hướng kiến trúc hiện đại, hợp lý và hiệu quả đối với thể loại bệnh viện dã chiến. Đây cũng là các phương án được đánh giá cao bởi khả năng phát triển thành các công trình bệnh viện dã chiến trong thực tế, phù hợp điều kiện Việt Nam về giải pháp thực hiện, ứng dụng tiến bộ khoa học và giá thành hợp lý.
Theo Nguyễn Quốc - sggp.org.vn