Tủ an toàn sinh học là gì?
Tủ an toàn sinh học, tên tiếng Anh: biosafety cabinet (BSC) là một thiết bị không thể thiếu trong các phòng thí nghiệm, đặc biệt là những nơi làm việc với các mẫu sinh học có khả năng gây nhiễm. Tủ tạo ra một môi trường làm việc an toàn, bảo vệ cả người làm việc, mẫu vật và môi trường xung quanh khỏi các tác nhân gây hại. Thiết bị này thường ứng dụng trong các lĩnh vực như y tế xét nghiệm, y học lâm sàng, sinh học phân tử, nuôi cấy,…
Cấu tạo và nguyên lý hoạt động tủ an toàn sinh học
Cấu tạo tủ an toàn sinh học
Một chiếc tủ an toàn sinh học thường bao gồm các thành phần chính sau:
Buồng làm việc: Đây là không gian bên trong tủ nơi người dùng thực hiện các thao tác với mẫu. Buồng này được làm bằng vật liệu không thấm nước, dễ vệ sinh và thường được làm bằng thép không gỉ. Mặt bàn làm việc bằng thép không gỉ đơn tấm với thiết kế lòng chảo chống tràn. Lớp lót bên trong bằng thép không gỉ đơn tấm với góc bán kính rộng giúp làm vệ sinh dễ dàng
Cửa kính trước: Cửa kính thường được làm bằng kính cường lực và có thể điều chỉnh độ cao để tạo ra một khe hở an toàn giữa cửa và mặt bàn làm việc.
Màng lọc HEPA/ULPA: Màng lọc HEPA/12 12 ULPA với hiệu suất lọc đạt 99,999% đối với các hạt kích thước 0.3μm, hiệu suất lọc 99,995% đối với hạt MPPS kích thước 0.1μm giúp tăng cường độ an toàn
Quạt: Quạt hút tạo ra dòng khí chảy một chiều từ bên ngoài vào buồng làm việc và ra ngoài qua hệ thống lọc HEPA.
Tay vịn: Tay vịn được thiết kế nâng lên và tiện dụng giúp ngăn chặn nghẽn khí và tạo tư thế làm việc thoải mái cho người sử dụng
Đèn UV (tùy chọn): Một số tủ có thể được trang bị đèn UV để khử trùng buồng làm việc sau khi sử dụng.
Nguyên lý hoạt động tủ an toàn sinh học
Tủ an toàn sinh học hoạt động theo nguyên tắc tạo một màng khí bao quanh mẫu thao tác nhờ quạt hút bên trên tủ. Lớp khí rút xuống dưới bề mặt thao tác rồi đi lên phía trên tủ qua màng lọc HEPA/ULPA. Đồng thời lớp khí ở phía trước tủ cũng rút xuống bề mặt thao tác. Tác dụng của lớp khí này như một lớp chắn các không khí bị nhiễm, không để quay ngược lại người thao tác.
Bên cạnh đó, dòng khí đi xuống qua màng lọc HEPA/ULPA cũng có tác dụng bảo vệ vật liệu thí nghiệm. Còn có dòng khí thải ra ngoài lọc các hạt vi sinh vật bảo vệ môi trường qua màng lọc.
Tiêu chuẩn tủ an toàn sinh học
Các tiêu chuẩn cho tủ an toàn sinh học thường được quy định bởi các tổ chức quốc tế như NSF International (Mỹ), EN (Châu Âu) và các tiêu chuẩn quốc gia của từng nước. Một số tiêu chuẩn quan trọng bao gồm:
NSF / ANSI 49 – 2008: Đây là tiêu chuẩn phổ biến nhất ở Mỹ, quy định về thiết kế, hiệu năng, thử nghiệm và kiểm tra đối với tủ an toàn sinh học.
EN12469: 2000: Tiêu chuẩn châu Âu tương đương với NSF 49, quy định các yêu cầu kỹ thuật đối với tủ an toàn sinh học.
Các tiêu chuẩn quốc gia: Mỗi quốc gia có thể có thêm các tiêu chuẩn bổ sung hoặc điều chỉnh dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế.